Dược liệu tươi

Tên khoa học: Angelica sinensis (Oliv.) Diels, Họ: Cần (Apiaceae). 

Tên khác: Tần quy, tan quy, vân quy, đương quy.


Đương quy là loại cây thảo sống nhiều năm, cao 40-60cm. Rễ Đương quy rất phát triển. Thân hình trụ, có rãnh dọc màu tím. Lá mọc so le, xẻ lông chim 3 lần; cuống dài 3-12cm, có bẹ to ôm thân; lá chét phía dưới có cuống, các lá chét ở ngọn không cuống, chóp nhọn, mép khía răng không đều. Cụm hoa tán kép gồm 12-36 tán nhỏ dài ngắn không đều; hoa nhỏ màu trắng hay lục nhạt. Quả bế, dẹt, có rìa màu tím nhạt. Đương quy cho hoa quả tháng 7-9. 

Dược liệu: Rễ Đương quy dài 10 - 20 cm, gồm nhiều nhánh, thường phân biệt 3 phần: Phần đầu gọi là quy đầu, phần giữa gọi là quy thân, phần dưới gọi là quy vĩ. Đường kính quy đầu 1,0 - 3,5 cm, đường kính quy thân và quy vĩ 0,3 - 1,0 cm. Mặt ngoài màu nâu nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc. Mặt cắt ngang màu vàng ngà, có vân tròn và nhiều điểm tinh dầu. Đương quy có mùi thơm đặc biệt. Vị ngọt, cay và hơi đắng.

Bộ phận dùng: Củ, Rễ đã phơi hay sấy khô.

Bào chế: Đương quy đã loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái lát mỏng, phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp. 

Tửu Đương quy (rượu đương quy): Lấy Đương quy đã thái thành lát, phun rượu cho đều, ủ qua, cho vào chảo đun nhỏ lửa, sao nhẹ đến khô, lấy ra để nguội. Cứ 100 kg Đương quy dùng 10 kg rượu. Dược liệu này là phiến mỏng dạng tròn hoặc không đều, mặt cắt có vân nâu nhạt. Chất dai, màu vàng thẫm, vị hơi đắng, mùi thơm nồng, có mùi rượu. 

Công năng: Bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh, giảm đau, nhuận tràng, thông đại tiện. 

Công dụng chính của Đương quy: Đương quy được dùng chữa thiếu máu xanh xao, cơ thể gầy yếu, mệt mỏi, đau lưng, đau ngực bụng, viêm khớp, chân tay đau nhức lạnh, tê bại, đại tiện táo bón, mụn nhọt lở ngứa, tổn thương ứ huyết, kinh nguyệt không đều, bế kinh, đau bụng kinh. Còn được dùng trị cao huyết áp, ung thư và làm thuốc giảm đau, chống co giật, làm ra mồ hôi, kích thích ăn ngon cơm. 

Cây Đương Quy được trồng trên Cao nguyên Mộc Châu từ nông trường của HTX Nông nghiệp Dược liệu Mộc Châu Xanh, việc trồng Đương quy dưới sự quản lý và giám sát chất lượng chặt chẽ, đúng với các tiêu chí của VietGAP, GACP tại các vùng sản xuất Một trong những món ăn với sự kết hợp của đương quy, rất ngon và bổ

Một số bài thuốc: 

- Chữa thiếu máu, cơ thể suy nhược, kinh nguyệt không đều, dùng bài Tứ vật thang gồm Đương quy 8g, Thục địa 12g, Bạch thược 8g, Xuyên khung 6g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

- Bổ máu, dùng cho phụ nữ sau khi sinh đẻ, thiếu máu, dùng bài Đương quy kiện trung thang gồm Đương quy 8g, Quế chi, Sinh khương, Đại táo mỗi vị 6g, Bạch thược 10g, Đường phèn 50g, nước 600ml, sắc còn 200ml, thêm Đường chia làm 3 lần uống trong ngày. 

- Chữa viêm quanh khớp vai, vai và cánh tay đau nhức không giơ tay lên được: Đương quy 12g, Ngưu tất 10g, Nghệ 8g sắc uống. Kết hợp với luyện tập hàng ngày giơ tay cao lên đầu.

- Phụ nữ kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, dùng Đương quy sắc nước uống trước khi thấy kinh 7 ngày, Phụ nữ sắp sinh nếu uống nước sắc Đương quy vài ngày trước khi sinh thì đẻ dễ dàng. 

Kiêng kỵ: Dùng cẩn thận trong trường hợp âm hư nội nhiệt, tiêu chảy. 

Chú ý: Dược điển Việt nam quy định loài Angelica acutiloba (Sieb. et Zucc.) Kitagawa là Đương qui di thực

Tim lợn hầm đương quy


Đuôi lợn hầm đương quy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét